Để một chiếc bánh tráng Vị thơm ngon giòn rụm đến tay khách hàng, 2G kiểm soát quy trình sản xuất rất chặt chẽ và nghiêm ngặt.
Dưới đây là quy trình sản xuất ra một chiếc bánh tráng Vị từ hệ thống xưởng Đơn Dương Food, Lạc Lâm, tỉnh Lâm Đồng:
Quy trình làm ra một chiếc bánh tráng Lạc Lâm
Công ty TNHH 2G liên kết và hợp tác với những hộ gia đình chuyên làm bánh tráng có uy tín tại làng bánh tráng Lạc Lâm, Đơn Dương (là một huyện nhỏ nằm ở phía Đông tỉnh Lâm Đồng) để cung cấp bánh tráng “sống”. Bánh tráng “sống” ở đây tức là bánh tráng chưa được nướng lên hay chế biến.
Bánh tráng Lạc Lâm được làm từ những nguyên liệu có sẵn như gạo xay thành bột, cho thêm mè trắng, muối, ớt xay, đường,… và hoàn toàn không có chất phụ gia. Gạo làm bánh được người dân làng nghề ngâm, vo kĩ và xay nhuyễn mịn thành bột, pha chút mì, muối cho bánh có thêm độ dẻo, đậm đà. Nếu là bánh nướng (bánh đa theo cách gọi của người miền Bắc) thì rắc thêm mè đen hoặc mè trắng, còn không thì sẽ là một chút ớt xay, mỡ hành, đường, dừa nếu để làm bánh tráng mắm. Bột pha đúng đủ thì khi tráng bánh mới không bị dính khuôn, dễ dàng trong việc lật khi phơi khô. Bột gạo được ngâm lắng một đêm đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau thì các bà, các mẹ đã lọ mọ dậy đốt than để ngồi vào tráng bánh. Ngày xưa khi chưa có máy thì người làm tráng bánh phải là người quen tay thì miếng bánh tráng thành phẩm mới tròn và độ dày mỏng mới đều nhau. Ngày nay, khi công nghệ phát triển thì một chiếc máy vừa hấp vừa tráng bánh khiến cho người dân ở đây đỡ cực hơn rất nhiều.
Lúc trời nắng vừa lên cũng là khi bánh được mang ra phơi đầy trước sân, ngoài hiên hay trước ngõ hay ở trong nhà kính. Ở nơi này, cả làng đều mong những ngày nắng đẹp để phơi bánh. Nghe các cô chú ở đây nói, phơi khoảng 2 giờ là bánh khô. Hôm nào mà nắng vàng, đi ngang qua Lạc Lâm thì sẽ nhìn thấy cả làng như tranh vẽ bởi đâu đâu cũng đầy những phiến bánh trắng tinh. Nhất là vào sáng sớm, ngay lúc trời còn chưa ló dạng, chạy xe với thời tiết Lạc Lâm se se lạnh, ngắm nhìn làng nghề Lạc Lâm từ những gì đơn sơ và bình dị nhất.
Điều kiện phơi bánh ngoài trời cũng phải chú ý, nếu nắng nhiều bánh sẽ bị giòn, dễ vỡ, ít nắng thì bánh bị chai sần đi. Bánh phơi đạt tiêu chuẩn là khi cầm lên tay thấy mịn, không có lỗ khí lồi lõm. Nhưng mà khi vào mùa mưa, trời trở nên”khó chiều”, mưa suốt ngày thì bà con nơi này lại thấp thỏm. Bởi vì hễ mà có mưa cứ phải mang bánh tráng vào, hé nắng lại mang ra. Mà có khi phơi bánh không đạt phải vứt bỏ cho heo ăn. Nghề làm bánh tráng này là thế!
Khi 2G nói chuyện với những người dân ở đây, làm cùng người dân ở đây, đi lên cùng với họ, mới hiểu, mới thấu rằng làm cái nghề này vất vả thế nào. Nhiều khi thời tiết chuyển sang mùa mưa, là coi như bỏ, cả ngày không thể làm bánh tráng được.
Quy trình sản xuất
2G đảm bảo rằng nguồn nguyên liệu đầu vào như ruốc, gia vị, mắm, tỏi, ớt, khô gà,… đều được tuyển chọn và kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, chất lượng cũng như độ thơm ngon của thành phẩm làm ra. Những miếng bánh tráng sau khi được phơi khô sẽ được cung cấp và vận chuyển đến xưởng để chế biến.
Miếng bánh tráng được cắt ra làm 2 hoặc làm 4 tùy vào bánh, sau đó sẽ phết lên một lớp mắm với công thức đặc biệt của riêng Vị. Lớp ruốc được phết vừa phải, mỏng nhưng đảm bảo hương vị đậm đà riêng biệt của bánh. Để làm được điều này đòi hỏi tay nghề của người thợ phải khéo, phải giỏi và có kinh nghiệm. Bởi vậy thật không ngoa khi nói những người làm bánh tráng này cũng là một nghệ nhân.
Bánh sau khi được quét lớp mắm sẽ được đem vào máy nướng với một nhiệt độ nhất định. Sau đó bánh sẽ được gấp đôi lại và nướng lần hai để đảm bảo bánh chín đều, giòn rụm. Bánh chín mới ra lò sẽ cho mùi thơm đặc trưng, hương vị đậm đà của ruốc.
Bánh sau nướng xong sẽ được đưa đi đóng gói, dán tem, đóng thùng, phân phối đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị và vận chuyển đến tay khách hàng. Hiện tại không chỉ bánh tráng mắm ruốc mà nhà Vị cũng có phát triển thêm ba dòng bánh tráng chủ đạo khác: Bánh tráng sốt tôm, bánh tráng gà cay và bánh tráng tỏi ớt.
Vậy là bạn đã đi hết câu chuyện làm ra một chiếc bánh tráng Vị rồi. Cảm ơn bạn đã đọc đến tận đây để biết về Vị, về những gì Vị đang làm và mong muốn làm cho làng nghề bánh tráng nơi đây. Bạn biết không, câu chuyện của Vị, về những chiếc bánh tráng Vị vẫn đã, đang và sẽ luôn đi tiếp và gắn liền cùng với ngôi làng bánh tráng Lạc Lâm đầy nắng và sương, cùng với tấm chân tình của những người nghệ nhân huyện Đơn Dương đã gìn giữ nghề bánh tráng này.