Gạo làm bánh được vo kỹ và xay nhuyễn mịn. Pha bột tráng bánh thường được để cho những người có kinh nghiệm làm. Bột pha đúng, khi tráng bánh mới không bị dính khuôn, dễ dàng trong việc lật trở khi phơi khô. Bột gạo được ngâm lắng một đêm, người tráng bánh phải là người quen tay thì miếng bánh tráng thành phẩm mới tròn và đều. Pha bột và tráng bánh khéo thì vừa tiết kiệm được lượng bột mà bánh lại vừa tròn, đẹp. Trung bình mỗi ngày, một hộ dân nơi đây làm ra từ 1.000 đến 2.000 chiếc bánh nhưng vào những ngày giáp tết, số bánh làm ra có thể lên đến 2.500 đến 3.000 cái những vẫn không đủ đáp ứng được nhu cầu. Bánh tráng Lạc Lâm không chỉ phong phú về kích cỡ, hương vị mà còn có những loại bánh dành riêng cho người bị bệnh tiểu đường hay người ít ăn mặn. Chính vì thế mà thương hiệu bánh tráng Lạc Lâm được rất nhiều người ưa chuộng và không chỉ bán cho người dân trong tỉnh, bánh tráng Lạc Lâm còn được xuất sang các tỉnh lân cận và ra nước ngoài.
Làng nghề bánh tráng Lạc Lâm.
Bánh tráng Lạc Lâm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể tháng 07 năm 2014 là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm này. Nhãn hiệu được bảo hộ đã góp phần nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm không những ở thị trường trong nước mà còn có khả năng vươn xa tới những thị trường tiềm năng nước ngoài, góp phần đảm bảo đời sống của người sản xuất và giữ gìn, phát huy các giá trị kinh tế, xã hội, văn hoá của địa phương. Sau khi sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ thì việc áp dụng cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể trên thị trường, chống hàng giả hàng nhái là vô cùng quan trọng. Tổ hợp tác sản xuất bánh tráng Lạc Lâm cũng đã có những quy định cụ thể để quản lý việc dán tem nhãn cho các sản phẩm đạt chuẩn, giám sát chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào tới sản phẩm ra thị trường.
Làng nghề bánh tráng Lạc Lâm.