Huyện Đơn Dương – Vùng đất tạo nên món Bánh tráng nướng Vị

Khám phá vùng đất đã làm nên câu chuyện Vị – nơi tràn đầy cái vị của nắng gió, sương mai, của làn khói mờ buổi sáng, của cái không khí se lạnh, của chiếc bếp than hồng, của những phiến bánh tráng trắng tinh và của cả tấm chân tình người Đơn Dương. 

Giới thiệu về Đơn Dương

Đơn Dương là một huyện nằm ở phía Đông Nam tỉnh Lâm Đồng, giáp với thành phố mộng mơ Đà Lạt. 

Nơi đây còn tiếp giáp với trung tâm kinh tế Đức Trọng và cũng là nơi có đất đai rất phong phú và đa dạng, Nơi đây rất phù hợp để trồng nhiều loại cây, đặc biệt nhất là các loại rau hay cây xanh dùng trong chế biến lương thực, thực phẩm.

Độ cao trên 1.000m, sở hữu diện tích đất rộng lớn trong khoảng 61.000 ha, có 10 đơn vị xã, thị trấn. Dân số có hơn 91.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30%.

Đơn Dương còn được mệnh danh là vùng đất có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Đây là nơi tràn ngập sức sống, là “Hòn ngọc xanh” của Tây Nguyên. Thiên nhiên không chỉ ban tặng cho nơi đây khí hậu mà cảnh quan tự nhiên ở đây cũng cực kỳ phong phú với những con đèo dốc uốn lượn, những cánh đồng hoa dã quỳ vàng rực và trang trại xanh mát. Bên cạnh đó cũng có những hàng cây thông xanh cao ngút sẽ mang đến cho bạn một sự bình yên hay nét lãng mạn hoài cổ của xứ sở yên bình này. 

Lịch sử vùng đất Đơn Dương

Theo Vị tìm hiểu được thì lúc đầu, huyện Đơn Dương nằm trong cao nguyên Lang Biang. Trước năm 1893 là địa bàn cư trú của các tộc người Thượng. Người Việt đầu tiên có ý định khám phá vùng rừng núi Nam Trung Bộ là Nguyễn Thông, nhưng do nhiều lý do nên cho tới cuối đời ông vẫn không thực hiện được ý định của mình.

Sau đó người Pháp, cụ thể là bác sĩ hải quân Paul Néis và trung úy Albert Septans có những chuyến thám hiểm đầu tiên vào vùng người Thượng ở Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, phát hiện ra cao nguyên Lang Biang. 

Sau năm 1975, huyện Đơn Dương đưa chia ra thành thị trấn Đơn Dương và 13 xã. Ngày 14-3-1979, chia huyện Đơn Dương thành 2 huyện: Đơn Dương và Lạc Dương, huyện còn lại 1 thị trấn Đơn Dương và 8 xã. Sau nhiều sự thay đổi thì đến nay, huyện Đơn Dương có 2 thị trấn và 8 xã, giữ ổn định đến nay.

Những nơi mọi người nên ghé qua khi đến Đơn Dương

Thị trấn D’ran

Thị trấn D’ran là do người Pháp đặt tên, nằm lưng chừng giữa hai con đèo D’ran và đèo Ngoạn Mục. Đối với khách du lịch đây chỉ là trạm dừng chân trên đường từ Nha Trang đến Đà Lạt. Nhưng nếu bạn dành nhiều thời gian khám phá và ở lại đây thêm, chắc hẳn bạn sẽ khám phá được rất nhiều những nét đặc trưng và quyến rũ một cách lạ kỳ nhưng đầy chất riêng của thị trấn nhỏ bé này. 

Quang cảnh những thung lũng rau và những cung đường bậc thang tuyệt đẹp, nằm cạnh ngay bên hồ đập Đa Nhim. Tất cả tạo thành môt khung cảnh đẹp khiến du khách phải nín thở khi chiêm ngưỡng hết được sự hoang sơ nơi đây.

Khi đặt chân đến đây bạn còn được hòa mình vào thiên nhiên núi rừng. Ở trên những ngôi nhà làm bằng gỗ thông, dựa mình vào chân núi, đêm về phảng phất mùi nhựa thông, bình yên đến lạ lùng, làm bạn sống chậm lại và tận hưởng nhiều hơn sau những ngày mệt mỏi boi chen ở thành phố đầy khói bụi. Ngoài ra vào ban ngày bạn còn được thưởng thức, trải nghiệm và tham quan vườn rau củ, vườn hồng, chuối, thơm, quýt – những đặc sản xứ Dran. Đồng thời còn trải nghiệm cuộc sống giản dị, đời thường nơi đây. Thị trấn D’ran là một địa điểm lý tưởng nếu bạn là yêu thích du lịch hoang sơ, bình yên và thanh bình vô cùng. 

Người dân ở đây đa số số là người Bình Định và khi họ đến nơi đây đã mang theo rất nhiều lối kiến trúc cũng như những món ăn đậm chất quê hương miền Trung. Người dân ở đây vô cùng chất phác, cần cù nhưng lại vô cùng mến khách. Đặc biệt, những người lớn tuổi ở D’ran rất thích những cuộc gặp gỡ, trò chuyện, họ sẵn sàng dành cả ngày để kể về thị trấn nhỏ của mình bằng sự tự hào. 

Ở thị trấn Dran Đơn Dương còn có giáo xứ Lạc Lâm – nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ở, viết thư cho người tình ở Huế và sáng tác nhiều bài hát để đời.

Làng nghề bánh tráng Lạc Lâm

Mang theo nghề truyền thống từ quê hương làng Xuân Hòa (Bắc Ninh) vào lập nghiệp ở xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương), người dân gốc Kinh Bắc vẫn lưu luyến nghề cũ và tiếp tục phát triển thành một làng nghề làm bánh tráng vẫn còn đến bây giờ.

Đến thăm làng bánh tráng Lạc Lâm, nhất là vào buổi sáng sớm, cả làng dậy để nấu bánh tráng. Thời tiết lạnh lạnh, sương xuống cùng khói như càng thêm mờ ảo, cả làng như được bao phủ thơm phức mùi bánh tráng nóng. Vào những ngày nắng ngả vàng, dạo quanh làng, những phiến bánh tráng trắng tinh được phơi đầy ngoài hiên, trước sân, trước ngõ khiến cả làng như một bức tranh vẽ.   

Nhà máy thủy điện Đa Nhim

Nếu như bạn đã nghe đến nhà máy thủy điện Đa Nhim thì đây là công trình thủy điện được cho là lớn nhất của quốc gia. Đây còn là một trong những địa điểm dừng chân lý tưởng cho các du khách đến du lịch ở Đà Lạt.

Nhà máy Đa Nhim được thành lập vào năm 1964 với hơn 50 năm hoạt động. Du khách còn có thể đứng từ trên cao (đèo D’ran), ngắm toàn khung cảnh hoang sơ hùng vĩ. Nhìn thị trấn D’ran nhỏ bé, hiền hòa nép mình bên hồ đập thủy điện Đa Nhim xanh biếc, đẹp như một hòn ngọc bích. Vẻ đẹp của thị trấn sẽ khiến bạn cảm thấy như được đắm chìm trong bầu không gian của xứ sở cổ tích thơ mộng.

banh trang vi

Những đặc sản mọi người nên thử khi đến Đơn Dương

Đơn Dương thì nổi tiếng với bánh tráng mắm ruốc Lạc Lâm vì thu nhập chính của họ đến từ bánh tráng. Đến Đơn Dương, đặc biệt là đến với làng bánh tráng Lạc Lâm, ngoài ngắm nhìn vẻ đẹp yên bình, hoang sơ, thả hồn mình vào không khí mát mẻ se lạnh nơi đây thì thưởng thức, nhai rồm rồm một túi bánh tráng mắm ruốc hay mua mang về một bịch bánh tráng tặng bạn bè. Đây cũng coi như là thủ tục, là một điều phải làm khi đến nơi đây. Vị mặn mặn ngọt ngọt cùng mùi thơm đặc trưng của ruốc khiến chúng ta khó lòng cưỡng lại nổi.

Chắc là bởi vì trót yêu miền đất Đơn Dương này, hay trót yêu cái tấm chân tình, sự nhiệt thành của con người nơi đây, mong muốn cùng bà con nơi đây đi lên, cùng phát triển, cùng xây dựng mà câu chuyện của Vị bắt đầu từ cái cảm giác đấy!

Nhớ nhé, phải thử, có dịp mà ghé thăm Đơn Dương là phải thử được cái cảm giác ngồi trên cao cùng với cái khí hậu mát lạnh thỏa mãn lòng người, ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên, nhai rồm rộp miếng bánh tráng trong miệng, không thể nào quên được cái cảm giác ấy. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *