Câu chuyện Mẹ kể Vị nghe, người dân Việt Nam mình sao mà giỏi lắm, cùng một nguyên liệu họ có thể sáng tạo ra cả ngàn loại khác nhau từ Bắc chí Nam. Từ cây lúa, hạt gạo chúng ta có ti tỉ các món từ cơm, nếp, bánh chưng, bánh tét,… rồi từ bột gạo chúng ta lại có ti tỉ các món bánh xèo, bánh cuốn, cháo, hủ tiếu, và đặc biệt là bánh tráng. Mà riêng mỗi loại bánh tráng mắm ruốc thôi cũng đã có rất nhiều cách chế biến đặc biệt khác nhau từ mỗi một vùng miền khác nhau.
Vậy câu chuyện bánh tráng mắm ruốc của Vị – đặc sản Đơn Dương có gì khác so với các loại bánh tráng còn lại?
Giới thiệu về bánh tráng mắm ruốc
Để Vị giới thiệu qua, Bánh tráng mắm ruốc trong tiếng Anh được gọi là rice paper with fish sauce. Chính vì thế, hai nguyên liệu chính cần có của món ăn này chính là bánh tráng và mắm ruốc. Cũng sẽ tùy vào một vài phiên bản và cách chế biến của từng vùng mà sẽ có các topping tương ứng đi kèm.
Bánh tráng mắm ruốc Quảng Ngãi
Nguyên liệu của bánh tráng bao gồm bánh tráng gạo, mắm ruốc, hành lá và chà bông. Một số chỗ thì thay hành lá bằng hẹ bởi vì như vậy mùi vị sẽ thơm hơn.
Cách làm bánh tráng mắm ruốc Quảng Ngãi rất đơn giản. Khi lựa bánh tráng người ta ưu tiên những miếng bánh tráng gạo nhỏ và mỏng.
Miếng bánh tráng sẽ được nướng trên bếp than, sau đó được quét mắm ruốc lên đều bề mặt bánh, đợi bánh hơi ngả trắng, gần chín thì sẽ lần lượt cho hẹ, và các topping khác vào. Ngoài chà bông họ sẽ cho thêm vụn khô bò hoặc hành phi.
tráng
Có thể nhìn thấy bánh tráng mắm ruốc ở Quảng Ngãi có nét tương đồng như món bánh tráng nướng Đà Lạt. Bánh sẽ ngon hơn khi thưởng thức ngay lập tức và không thể bảo quản qua ngày hôm sau được, vì bánh sẽ bị dịu và không còn được giòn nữa. Ngoài ra, bánh còn được ăn kèm với một loại tương cà chua để giảm đi độ mặn của mắm ruốc.
Bánh tráng mắm ruốc Ninh Thuận
Nếu bạn đặt chân đến mảnh đất Ninh Thuận, bạn dễ dàng bắt gặp những hàng quán bán bánh tráng nướng mắm ruốc san sát và khắp nơi. Tuy nhiên, ở mỗi quán sẽ có sự khác biệt về topping ăn kèm. Điểm chung của những chiếc bánh này là bánh sẽ được cuộn tròn lại khi đang nướng cho dễ thưởng thức. Ở đây, khi làm món bánh tráng cuốn mắm ruốc này, khâu quan trọng nhất là lựa bánh tráng. Người ta ưu tiên lựa những miếng bánh tráng nhỏ và mỏng, như vậy lúc nướng và cuốn mới không bị nát. Cái hay ở món ăn này là người nướng sẽ đợi bánh vừa chín tới, sau đó cuốn tròn lại, tiếp tục nướng thêm trên lửa cho đến khi chín đều các mặt.
Ngoài ra, bánh tráng mắm ruốc Ninh Thuận còn khác biệt ở chỗ, các nguyên liệu được bỏ riêng lẻ, từng loại một lên, chứ không trộn lẫn như những nơi khác. Tuy nhiên bánh ngon nhất là khi ăn nóng, cắn một miếng là cảm nhận độ giòn và thơm nồng của các nguyên liệu tỏa ra và cũng không thể để được qua ngày hôm sau.
Món bánh tráng mắm ruốc ở đây như là một trong những thứ quà vặt quen thuộc, là ký ức tuổi thơ mà không chỉ trẻ nhỏ, ngay cả người lớn cũng yêu thích món ăn này.
Bánh tráng mắm ruốc Đơn Dương
Nếu như hai loại bánh trên, người ta quét trực tiếp mắm ruốc lên bề mặt bánh tráng rồi đem đi nướng, thì ở bánh tráng mắm ruốc này lại hoàn toàn trái ngược lại. Cùng là bánh tráng gạo, được phết mắm ruốc kèm các loại topping nhưng bánh tráng mắm ruốc Đơn Dương có thể để được khá lâu, thường được để dành ăn dần hoặc sử dụng làm quà tặng đặc sản khi mua mang về. Cách làm của loại bánh tráng mắm ruốc Đơn Dương chỉ đơn giản là bánh tráng gạo, sau khi cắt đôi, sẽ phết một lớp mỏng mắm ruốc lên, nướng 2 mặt để bánh tráng chín đều và phồng giòn hơn, sau đó cho vào bao bì bảo quản trong bọc nilong.
Bánh tráng có độ dày vừa phải, bánh sau nướng giòn tan sẽ gập đôi lại, hương mắm ruốc đậm đà kích thích vị giác khó mà cưỡng lại được. Một bịch bánh tráng Đơn Dương có thể có hạn sử dụng lên đến 5 tháng, bảo quản được lâu, dùng để ăn như snack được.
Nói chung là, ẩm thực Việt Nam rất phong phú với muôn vàn phiên bản bánh tráng mắm ruốc ở từng vùng miền, từng địa phương. Ví như bánh tráng Quảng Ngãi thì phải lựa loại bánh gạo mỏng, nhỏ, nướng lên là phải ăn liền kèm với siêu nhiều topping hành lá, chà bông,… Hay ví như bánh tráng Ninh Thuận thì nhất định phải cuộn lại ngay khi nướng lên ăn mới ngon, mới cảm hết rõ được từng vị trong chiếc bánh tráng. Hay ví như bánh tráng Đơn Dương để được lâu, mua dần về nhâm nhi cùng lũ bạn.
Theo Vị thấy phiên bản nào cũng hay, cũng thú vị, cũng… ngon. Nhưng để cho Vị thiên vị một chút xíu, những chiếc bánh tráng mắm ruốc giòn giòn, mặn mặn ở Đơn Dương vẫn rất khác biệt, độc đáo trong lòng Vị. Mà nói chứ, đi đâu thì đi, khi ghé về Đơn Dương thì cũng phải kiếm cho được món bánh tráng mắm ruốc Lạc Lâm để nếm được cái hương vị mắm ruốc đậm đà xộc thẳng vào mũi, mê đắm cái vị mặn mặn giòn tan mà khó có thể thấy được ở bất cứ nơi đâu.