Nguồn gốc Bánh tráng Đơn Dương

Khởi đầu của Vị, là câu chuyện về một chiếc bánh tráng mắm ruốc, là câu chuyện mẹ hay kể cho mỗi một người dân chúng tôi nghe về một làng nghề bánh tráng ở Lạc Lâm đầy sương gió, dẫu khó khăn nhưng vẫn đong đầy tấm chân tình, tha thiết gìn giữ món nghề truyền thống nơi đây. 

Đến thôn Xuân Thượng, Lạc Lâm, huyện Đơn Dương có thể dễ dàng thấy được khung cảnh làm bánh tráng nhộn nhịp vào buổi sáng sớm. Hàng trăm phên bánh tráng được phơi đón nắng dọc khắp các ngõ xóm từ ngoài hiên đến trong ngõ. Trong nhà, mỗi người làm bánh tráng, ai nấy tất bật tráng bánh, nướng rồi đóng gói. Hàng chục thùng bánh tráng được đóng sẵn sàng đưa đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước. 

Nguồn gốc chiếc bánh tráng Đơn Dương

Bánh tráng Lạc Lâm có nguồn gốc từ làng Xuân Hòa (Bắc Ninh). Mang theo nghề truyền thống từ quê hương Bắc Ninh vào lập nghiệp ở thôn Xuân Thượng, xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương), người dân gốc Kinh Bắc vẫn lưu luyến nghề cũ và tiếp tục phát triển thành một làng nghề. Hiện các hộ làm bánh tráng tập trung chủ yếu tại làng Lạc Lâm. Từ một món ăn riêng của những người gốc Kinh Bắc, nay bánh tráng ở đây, đặc biệt là bánh tráng mắm ruốc đã trở thành món ăn được nhiều người ưa thích. Từ đó làng nghề bánh tráng theo đó cũng nhiều đổi thay.

Hiện nay, tuy còn nhiều vất vả nhưng bánh tráng vẫn là thứ mang lại thu nhập chính cho nhiều gia đình nơi đây. Và đó cũng là niềm tự hào của những người con Kinh Bắc khi gây dựng thương hiệu bánh tráng Lạc Lâm trên mảnh đất này.

Một làng nghề bánh tráng nổi tiếng ở Nam Tây Nguyên, phía Đông Đà Lạt. 

Đến với thôn Xuân Thượng (Lạc Lâm), nơi đây dường như thể hiện rõ nét đẹp của một làng quê có nghề truyền thống ở miền Bắc. Làng bánh tráng Lạc Lâm vào những ngày trời nắng đẹp, trên mỗi con đường đi qua đầy những bánh tráng do bà con đang phơi đủ. Khung cảnh dường như là một bức tranh sơn dầu, đủ cho ai mới đến lần đầu cũng thấy tò mò cuốn hút để dừng chân tìm hiểu những gì đang diễn ra nơi được xem là làng nghề bánh tráng ở Nam Tây Nguyên.

Vào những ngày mùa khô chạm ngõ cũng là những ngày nhộn nhịp nhất của những người làm bánh tráng truyền thống ở đây. Bánh tráng nổ tí tách dưới nắng, được phơi la liệt dọc theo từng con hẻm nhỏ, trên mỗi mái nhà và phủ kín những khoảng sân rộng. Ở đây, với những nhà làm bánh truyền thống thì thường người vợ sẽ phụ trách pha bột, tráng bánh, còn chồng thì lo việc phơi phóng. Đây cũng là nét truyền thống của rất nhiều làng nghề Việt trong việc tiếp nối và gìn giữ nghề gia truyền.

Câu chuyện đổi thay làng nghề – Bánh tráng Lạc Lâm tham gia OCOP

Hiện nay, Làng bánh tráng Lạc Lâm không chỉ sản xuất những loại bánh truyền thống mà còn sáng tạo thêm nhiều vị mới với các loại bánh tráng mắm ruốc, bánh tráng sốt tôm,… Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, một số các cơ sở, hộ làm bánh tráng cũng đã chuyển từ hướng làm thủ công sang máy móc, đầu tư thêm nhà kính để phơi bánh tráng và mùa mưa để đảm bảo khi nào cũng có hàng. 

Mặc dù việc làm bánh bằng máy theo quy trình khép kín kiểu công nghiệp tuy chất lượng không sánh bằng bánh truyền thống nhưng bù lại đáp ứng được số lượng và nhu cầu của khách hàng, từ đó cũng mang lại thu nhập tốt hơn. Cùng với sự phát triển theo xu hướng, làng nghề bánh tráng ở Lạc Lâm cũng đã có nhiều thay đổi theo thời cuộc. 

Sau một thời gian sản xuất, nhiều khách hàng bắt đầu có yêu cầu cao hơn, sản phẩm phải có thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ, kiểm định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Và với mong muốn phát triển làng nghề này, một số hộ dân hợp tác với Công ty TNHH 2G tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Và bánh tráng Lạc Lâm được huyện Đơn Dương được chọn là 1 trong 4 sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 

Ở đây, bánh tráng được sản xuất theo dây chuyền, bánh được lấy từ những hộ gia đình cung cấp bánh tráng uy tín tại xã Lạc Lâm, tráng bằng máy tráng với số lượng lớn. Sau đó đem về phơi khô, tẩm gia vị, qua máy nướng, sau đó được đóng gói với tên “Vị”. 

Bánh tráng “Vị” được giám định kỹ lưỡng từ khâu chế biến đến bảo quản sản phẩm, được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và giám định hạn sử dụng là 5 tháng. Đặc biệt là bánh tráng “Vị” không sử dụng chất phụ gia. Ngoài sản phẩm có thương hiệu riêng, bánh tráng Vị ra đời đó còn là sự hợp tác của Công ty TNHH 2G với các cơ sở sản xuất hộ gia đình ở làng bánh tráng Lạc Lâm, từ đó cùng phát triển cùng đi lên với làng bánh tráng, đưa món đặc sản truyền thống này đến các tỉnh thành trên cả nước, và có mặt đặt vào kệ hàng tại các siêu thị lớn, các mini mart và Aeon Mall trên cả nước. Điều này giúp sản phẩm bánh tráng trở nên uy tín hơn, được nhiều khách hàng tin dùng.

Từ nguồn gốc ở làng nghề Xuân Hòa (Bắc Ninh), bà con đã đem miếng bánh tráng vào Đơn Dương để phát triển. Miếng bánh tráng thảo thơm từ bàn tay tảo tần của người dân làng nghề bánh tráng Lạc Lâm chắc chắn sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa trên khắp mọi miền đất nước thông qua thương hiệu Vị, trên các siêu thị lớn, xuất khẩu sang Nhật hay trong từng bữa ăn vặt ngồi tám chuyện với bạn bè, gia đình. Bởi tiếng giòn rôm rốp mà bánh tráng mang lại, tựa như tiếng cười giòn tan vui vẻ cùng với bè bạn.

Vốn đơn thuần chỉ là món ăn chơi của người Kinh bắc xa xứ nhớ nghề, giữ gìn, tiếp nối ở Lạc Lâm, hôm nay không chỉ đã trở thành một thức quà quê, một món đặc sản riêng độc đáo của riêng Đơn Dương, Lâm Đồng mà sau này sẽ còn là một món ăn vặt phổ biến mà chúng ta chia cho nhau mỗi khi tụ tập. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *